Dấu ấn Tự_Lực_văn_đoàn

Dưới đây là một vài nhận xét khái quát, mang tính tham khảo, của:

Nhóm Tự Lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất, nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.[38] Công việc của Tự Lực văn đoàn đã có ảnh hưởng về đường xã hội và đường văn học:- Về đường xã hội, cái biệt tài trào phúng của phái ấy, cả trong thơ văn và trong các bức hí họa, đã làm rõ cái dở, cái rởm, cái buồn cười, cái giả dối trong các hủ tục, thiên kiến của ta. Tuy nhiên, phái ấy không khỏi có những điều thiên lệch. Có những tục không đáng công kích mà cũng công kích...- Về đường văn học, phái ấy đã gây nên cái phong trào "thơ mới" và làm cho thể văn tiểu thuyết được đắc thắng. Phái ấy lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giản, khiến cho nhiều người thích đọc...[39]...Nói đến Tự lực văn đoàn, người ta không thể không trước hết nói đến Nguyễn Tường Tam người đã hầu như một mình sáng lập ra nó....Đọc Nhất Linh dường như lúc nào ta cũng thấy ông chỉ phản ánh tâm hồn mình, kể lể những băn khoăn của mình, theo đuổi một giấc mộng của mình. Khái Hưng khác thế, là một cây viết đi nhặt nhạnh truyền người, một thứ gương pha lê hướng ra cuộc đời lắm vẻ và dung nạp một cách trung thực và khoan hóa những tâm tư và hình thái của cả một xã hội chung quanh ông....Trong thời đại của họ, họ đã gây được một ảnh hưởng lớn trong đời sống, đặc biệt là với thanh niên. Với tiểu thuyết, Tự lực văn đoàn đã tạo thành một mẫu người thanh niên mới cho thời đại của họ, nói rõ hơn đó là lớp thanh niên trí thức do nền giáo dục Tây phương tạo thành....Nhìn lại văn chương tiền chiến, cho đến nay những nhà phê bình văn học đều nói đến một chỗ đứng rất lớn lao của Tự lực văn đoàn, họ đã làm thành một biến cố, ghi dấu một thời đại, văn chương Tự lực văn đoàn thực đã là một giai đoạn có thật trong văn học sử.Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự lực văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái "tôi" và tạo ra cách đọc "phản tỉnh", tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình.Về hình thức, tiểu thuyết của văn đoàn đã vượt ra khỏi phạm trù văn học "giao thời" (30 năm đầu thế kỷ 20), có cấu trúc mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Câu văn trong văn xuôi đã trở nên trong sáng, chuẩn mực, giàu khả năng biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu. Cùng với việc đào sâu tâm lý nhân vật, thiên nhiên cũng trở thành một đối tượng thẩm mỹ...Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học đầu tiên của nước ta mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Hội đoàn ấy bắt đầu bằng một tờ báo, đấy là tờ Phong Hóa bộ mới mà số đầu tiên phát hành vào ngày 8 tháng Chín năm 1932 - tức số 13 - đã lập tức biến một tờ báo vốn đang ế ẩm thành một hiện tượng đột xuất trong làng báo Hà Nội lúc ấy. Theo Nguyễn Vỹ, ngay số đầu tiên, tờ báo đã “bán chạy như tôm tươi” (Văn thi sĩ tiền chiến) báo hiệu một cái gì thật mới mẻ đang xuất hiện trên đất Hà thành....Cái hội đoàn do Nguyễn Tường Tam thành lập rõ ràng đã hiện ra trong tư cách một trường phái văn học hoàn chỉnh, khu biệt với mọi kiểu tổ chức văn học xuất hiện trước mình. Trở về trước, các thi xã truyền thống trong lịch sử thường phải dựa vào thế lực của một tầng lớp bên trên như vua quan, hay lãnh chúa một vùng, chẳng hạn Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông, Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tích. Hoặc là tập hợp của một đám thượng lưu quý tộc, chẳng hạn Mặc Vân thi xã của anh em Miên Thẩm. Các loại thi xã đó đều lấy việc ngâm vịnh văn chương để chơi làm mục đích, nên rất ít mở rộng ảnh hưởng ra ngoài thi xã. Tính khép kín là đặc điểm hiển nhiên của chúng. Tự lực văn đoàn trái lại, là sự tập hợp những con người không có quan tước, cũng không có thế lực nào bảo trợ. Họ gồm 7 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu (không có Trần Tiêu). Đứng về mặt xã hội phải nói họ đều là “chân trắng”. Nhưng họ lại tập hợp nhau lại vì một lý tưởng muốn cống hiến cho văn học, thông qua văn học mà đóng góp cho xã hội, và cùng chung sức nhau xã hội hóa hoạt động sáng tác của họ, trong sự vận hành của cơ chế thị trường văn học nghệ thuật đang dấy lên từ Nam ra Bắc thuở bấy giờ. Nghĩa là họ chấp nhận sự cạnh tranh để sống còn bằng nghề văn của mình. Họ không chỉ biết đến tiểu thuyết, thơ ca mà còn ràng buộc với nhau trong việc sống nhờ vào hai tờ báo và một nhà xuất bản. Họ không hy sinh mục đích văn chương cao quý cho việc kiếm kế sinh nhai bằng mọi giá, nhưng việc kiếm kế sinh nhai lại chính là điều kiện để họ giữ vững thiên chức văn học như một “mục đích tự thân”, điều mà có lẽ, từ 1945 đến nay, chưa một văn đoàn nào trên đất Việt làm nổi và có ý thức, có gan làm (còn nhớ cách đây vài năm, khi có ý kiến đề xuất chuyển các hội sáng tác văn học nghệ thuật trở về đời sống dân sự đúng nghĩa, bỏ hẳn cơ chế “xin cho”, thì chính các vị lãnh đạo ở các hội ấy đã đồng loạt lên tiếng khẩn thiết đòi bảo vệ quyền thiêng liêng của mình là... vẫn được sống dựa vào Nhà nước). Cũng khác với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, để có thể tổ chức được một nhóm cầm bút với mục đích truyền bá cái mới của Âu Tây cũng như bước đầu xây dựng nền văn chương quốc ngữ, đều không tránh khỏi phải núp bóng Nhà nước Bảo hộ, Tự lực văn đoàn là một đoàn thể văn học hoàn toàn mang tính chất tư nhân, không ve vãn, nhân nhượng bộ máy đương quyền và không hề phát ngôn cho quyền lực dù lâm vào tình huống o ép khó xử nhất. Như vậy, có thể nói, Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học chưa có tiền lệ trong văn học Việt Nam. Những mặt ưu trội kể trên đưa lại cho nó một sức hấp dẫn đặc biệt, không tiền và nếu tính đến nay thì cũng là khoáng hậu, đẩy nó lên địa vị gần như tuyệt đối trên văn đàn trong vòng 8 năm nó tồn tại trên thực tế. Sự ra đời của nó có tác dụng kích thích phong trào sáng tác văn học của cả nước như là một tất yếu, một nhu cầu nội tại, với tư cách một sự tìm kiếm và tự thực hiện của khát vọng tự do. Đó là phương diện chủ chốt vạch rõ sự khác biệt bản chất giữa nó với các hội đoàn văn học từ 1945 về sau mà ta không thể mượn tiêu chí này kia làm những cột mốc so sánh.
  • Vu Gia, một học giả hàng đầu tại Việt Nam về các thành viên trong Tự Lực văn đoàn (2011):[41]
...Nếu soạn một bộ lịch sử văn học thiếu nhi cho nước nhà, tôi nghĩ vị trí của Khái Hưng không nhỏ. Với tôi, Khái Hưng cũng như một số thành viên Tự Lực văn đoàn là những người có công khai phá “mảnh đất” này, và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ chúng tôi ở miền Nam trước ngày giải phóng....Bây giờ, người đọc vẫn còn nhắc “văn chương Tự Lực văn đoàn”, “tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn”; trên các quầy sách suốt chiều dài đất nước không thiếu những tác phẩm văn chương của Tự Lực văn đoàn. Do đó, nếu không có chút giá trị nào thì văn chương Tự Lực văn đoàn không thể tồn tại lâu như thế. Còn các nhà văn VN hiện nay chia sẻ như thế nào, tôi xin mượn lời phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài viết về tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn: “Phải đến Tự Lực văn đoàn tiểu thuyết mới thật sự có hình thức hiện đại của nó. Và từ đấy cho đến nay, tiểu thuyết đã phát triển qua nửa thế kỷ với nhiều đổi thay nhưng về cơ bản chưa thoát ra khỏi mô hình tiểu thuyết do Tự Lực văn đoàn tạo ra”....Khi nghiên cứu từng tác giả cụ thể trong Tự Lực văn đoàn, tôi thấy mỗi người một hoàn cảnh và tự biết vượt qua khỏi “cái rào cản” chính mình để khẳng định mình chứ chẳng dựa dẫm vào ai. Họ làm việc cật lực với mục đích rõ ràng: “Làm giàu văn sản trong nước”, chứ không chỉ hô hào cho sướng miệng......Trong lịch sử Việt Nam, giới cầm bút ít có thói quen sinh hoạt theo nhóm. Có. Nhưng ít. Nhìn lại văn học trung đại, từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, chúng ta chỉ biết tên được một số tổ chức được gọi là tao đàn hay văn thi xã, như Tao đàn nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông ở cuối thế kỷ 15, Chiêu Anh Các của Mặc Thiên Tích ở thế kỷ 18, Tùng Vân thi xã của Tùng Thiện Vương ở thế kỷ 19. Chỉ có hai nhóm đầu là có quy mô lớn và hoạt động tương đối tích cực. Tao đàn Nhị thập bát tú có 28 hội viên, hoạt động chủ yếu theo lối xướng họa giữa vua và quần thần, để lại một tập thơ chung mang nhan đề Quỳnh uyển cửu ca. Chiêu Anh Các có đến 72 hội viên và để lại bảy tác phẩm, vừa Hán vừa Nôm, trong đó, có Hà Tiên thập cảnh, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Thu Đức Hiên tứ cảnh hồi văn, Minh Bột du ngư thi thảo… Nhưng về tầm vóc, cả hai, so với Tự Lực Văn Đoàn, hoàn toàn không đáng kể. Có thể nói, không có nhóm văn học nào, của tư nhân, từ xưa cũng như đến tận ngày nay, có tổ chức chặt chẽ, hoạt động đa dạng và sôi nổi như nhóm Tự Lực Văn Đoàn cả. Về phương diện tổ chức, họ có hội viên, có quy định về việc kết nạp hội viên, và đặc biệt, có cả cương lĩnh hoạt động rõ ràng. Về hoạt động, họ bao trùm rất nhiều lãnh vực: văn học, xã hội (phong trào Ánh Sáng) và về sau, từ năm 1939, cả chính trị nữa. Riêng trong lãnh vực văn học, họ không phải chỉ biết sáng tác mà còn ra báo (Phong Hóa và Ngày Nay), lập nhà xuất bản (Đời Nay), mở nhà in, và tổ chức các giải thưởng văn học. Trừ lãnh vực chính trị, trong mọi lãnh vực họ hoạt động, họ đều thành công rực rỡ. Trương Chính nhận định: “trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo họ in đẹp nhất, bán chạy nhất.” Chỉ với bảy người và chỉ trong khoảng một thời gian ngắn ngủi, họ làm được nhiều việc hơn bất cứ một nhóm văn học tư nhân nào khác trong cả lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay....Nói một cách tóm tắt, trước thập niên 1930, trong suốt cả lịch sử văn học Việt Nam, chưa hề có một nhóm văn học nào hoạt động đa dạng, sôi nổi và thành công như Tự Lực Văn Đoàn. Từ thập niên 1930 về sau, cũng không hề có. Cùng thời với Tự Lực Văn Đoàn, người ta hay nhắc đến nhóm Tân Dân với những tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài, v.v.. Nhưng Tân Dân, thật ra, không phải là một tổ chức văn học đúng nghĩa. Họ đến với nhau một cách khá tình cờ chung quanh nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long. Giữa họ với nhau không hề có một liên kết hay cam kết nào khác ngoài lãnh vực thương mại, nhưng trong thương mại, quan hệ của họ với Vũ Đình Long cũng chỉ là quan hệ giữa người viết thuê và chủ mà thôi, một thứ quan hệ đầy tính chất con buôn, thậm chí, gian trá. Sau này, có một số nhóm văn học được nhắc nhở nhiều, như nhóm Xuân Thu Nhã Tập của Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh, nhóm Dạ Đài của Trần Dần, Trần Mai ChâuVũ Hoàng Địch. Cả hai đều khao khát đổi mới văn học, nhưng tác phẩm, hoạt động cũng như ảnh hưởng của họ rất giới hạn. Với nhóm Dạ Đài, chỉ có “Bản tuyên ngôn tượng trưng” công bố vào năm 1946; với nhóm Xuân Thu Nhã Tập, chỉ có một tập sách mong mỏng, vừa tuyên ngôn vừa thơ và triết lý được xuất bản vào năm 1942. Ngay các nhóm văn học nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, như Sáng Tạo của Mai Thảo, Trình Bày của Thế Nguyên, Quan Điểm của Nghiêm Xuân HồngVũ Khắc Khoan… cũng không thể so sánh được với Tự Lực Văn Đoàn về bất cứ phương diện nào cả. Trên tạp chí Sông Hương ở Huế, số 37, ra vào tháng 4, 1989, Hoàng Xuân Hãn nhận định: “nhóm Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.” Trong bài “Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại”, viết năm 2012, Phong Lê cũng nhận định tương tự: “Tự Lực Văn Đoàn là tổ chức văn học lớn nhất và duy nhất quy tụ được những tên tuổi tài năng, có các nguyên tắc tổ chức vừa chặt chẽ, vừa rộng rãi trong đời sống văn học 1930-1945.” Tôi đồng ý với cả hai. Nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Đó không phải là nhóm lớn nhất hay quan trọng nhất trong “nền văn học hiện đại” hay trong giai đoạn 1930-1945 mà là trong suốt cả lịch sử kéo dài hơn một ngàn năm của văn học Việt Nam nói chung....Trước thế kỷ 20, văn học gắn liền với học đường và thi cử, do đó, vừa nặng tính học thuật vừa nặng tính công thức; từ đầu thế kỷ 20, văn học bắt đầu gắn liền với báo chí và xuất bản, nhưng trong mấy thập niên đầu, cả báo chí lẫn xuất bản đều mới manh nha, còn rất yếu ớt, phần lớn phải dựa vào sự tài trợ của chính phủ Pháp (như trường hợp của Nam Phong) hoặc do người Pháp đứng làm chủ (như trường hợp của Đông Dương tạp chí). Chỉ từ đầu thập niên 1930, mọi sinh hoạt văn học mới thực sự châu tuần chung quanh các tờ báo và các nhà xuất bản, trong đó Tự Lực Văn Đoàn, với hai tờ Phong Hóa – Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay, là những người đi tiên phong và cũng là những người thành công hơn cả. Dựa trên báo chí và xuất bản, Tự Lực Văn Đoàn trở thành những người đầu tiên sống hẳn bằng ngòi bút một cách tương đối thoải mái. Trước họ, Tú Xương, thi cử thất bại, phải sống nhờ vào sức lao động của vợ, người “quanh năm buôn bán ở mom sông / nuôi đủ năm con với một chồng”; gần họ hơn, Tản Đà đã bắt đầu sống bằng ngòi bút nhưng sống một cách nhọc nhằn, hay như chính lời ông nhìn nhận: “Khi làm chủ báo lúc viết mướn / Hai chục năm dư cảnh khốn cùng”. Có thể nói, với Tự Lực Văn Đoàn, công việc viết văn và làm thơ (chứ không phải chỉ là làm báo) đã thực sự trở thành một nghề đàng hoàng. Biến thành một nghề, công việc viết lách dần dần được chuyên nghiệp hóa, giới cầm bút có thể tập trung hẳn vào sáng tác, do đó, số lượng tác phẩm tăng lên; họ cũng phải quan tâm đến việc đáp ứng thị hiếu của độc giả, do đó, hình ảnh của độc giả, vốn là những thị dân, từ một công chức đến một cô hàng xén, từ một anh đạp xích lô đến một cô gái điếm, dần dần được đưa vào văn học, thành những nhân vật trung tâm của văn học, thay thế cho các tiểu thư và các nho sinh ngày trước. Cuối cùng, do nhu cầu nghề nghiệp, giới cầm bút bắt buộc phải tìm kiếm và khẳng định phong cách độc đáo của mình, hơn nữa, không ngừng đa dạng hóa phong cách ấy để vừa thu hút vừa giữ gìn sự chú ý và hâm mộ của độc giả....Bởi vậy, từ góc độ văn học, không có gì quá đáng nếu nói tiểu thuyết hiện đại Việt Nam chỉ bắt đầu từ Tự Lực Văn Đoàn và với Tự Lực Văn Đoàn. Là những người đầu tiên, các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệt Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam, đã chứng tỏ tài năng kiệt xuất của họ khi viết những cuốn tiểu thuyết được xem là kinh điển trong trào lưu lãng mạn của Việt Nam. Nhưng là những người đầu tiên, họ vấp phải không ít vụng về và sai lầm mà sau này chính Nhất Linh đã thừa nhận trong cuốn Viết và đọc tiểu thuyết. Tuy nhiên, ở đây, lại có mấy điểm cần phải chú ý. Thứ nhất, phần lớn các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn hiểu khá rõ những khuyết điểm trong công cuộc khai phá của họ nên họ không ngừng tìm tòi để tự hoàn thiện, hệ quả là, trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những người trưởng thành sau thường vượt hơn hẳn những người đi trước: về thơ, Xuân Diệu viết hay hơn Thế Lữ, và về truyện, đặc biệt truyện ngắn, Thạch Lam viết hay hơn cả Khái Hưng lẫn Nhất Linh và Hoàng Đạo; trong những người thuộc lớp trước, như trường hợp của Nhất Linh và Khái Hưng, những tác phẩm về sau thường hoàn chỉnh và đặc sắc hơn những tác phẩm ban đầu... Trong khi Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Tuân hầu như chết gí trong một phong cách, một kỹ thuật và một quan điểm thẩm mỹ cũng như xã hội nhất định, các cây bút trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn không ngừng thay đổi, họ đi từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý, từ tiểu thuyết lý tưởng sang tiểu thuyết phong tục, từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực, từ những ám ảnh về nhân sinh đến những ám ảnh ít nhiều mang tính vị nghệ thuật, từ những ưu tư về thế sự đến những ưu tư có tính chất siêu hình. Có thể nói chỉ trong vòng chưa tới mười năm, các cây bút trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã thử ứng dụng hầu hết các phát hiện chính về kỹ thuật và tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Pháp trong vòng một trăm năm, từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20....Cái gọi là “phương pháp khoa học Thái Tây” này, theo tôi, bao gồm cả phương pháp sáng tác lẫn phương pháp cấu trúc câu văn. Nhờ chủ trương ấy cũng như nhờ tài năng thiên phú của họ, các cây bút Tự Lực Văn Đoàn đã xây dựng được một nền văn xuôi nghệ thuật thực sự có tính nghệ thuật, nghĩa là vừa thoát khỏi giai đoạn khẩu ngữ ngô nghê vừa thoát khỏi ảnh hưởng của văn biền ngẫu lổn nhổn từ Hán Việt ngày trước. Cứ so sánh câu văn của bất cứ người nào trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn với các câu văn của các nhà văn từ thập niên 1920 trở về trước, kể cả những tài năng xuất sắc của thời ấy, từ Tản Đà đến Phạm Quỳnh, từ Hoàng Ngọc Phách đến Hồ Biểu Chánh, chúng ta sẽ thấy khác hẳn. Câu văn của họ, nói chung, gọn gàng, nhẹ nhàng, trong sáng, linh động và duyên dáng hơn hẳn....Đánh giá công lao của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong lãnh vực tiểu thuyết, tôi cho nhận định của Lại Nguyên Ân rất hợp lý và công bình: “từng bước một, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn chinh phục được công chúng, trở nên quen thuộc với họ, nhất là lớp công chúng thị dân. Và khi các nhà tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đã đi hết chặng đường sáng tạo của họ, thì ‘kiểu dáng’ tiểu thuyết do họ tạo dựng đã trở thành cái nền, thành điểm tựa để nhiều nhà văn thuộc các xu hướng khác tiếp nhận để đi tới những thành tựu cao hơn.” Nói như vậy cũng có nghĩa là muốn nói công lao của Tự Lực Văn Đoàn trong lãnh vực tiểu thuyết không phải chỉ được nhìn thấy từ những tác phẩm của chính họ mà còn ở cả những tác phẩm khác của những người khác trong suốt thập niên 1930-40 và cả sau đó nữa....Với năm đóng góp kể trên (hình thành lớp nhà văn kiểu mới; hoàn chỉnh thể loại tiểu thuyết; đưa phong trào Thơ mới đến toàn thắng; cổ vũ cho chủ nghĩa cá nhân và nâng tiếng Việt lên thành một ngôn ngữ nghệ thuật, đặc biệt trong lãnh vực văn xuôi), không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết những nhà phê bình và nghiên cứu công tâm từ trước đến nay đều nhìn nhận vị trí và vai trò của Tự Lực Văn Đoàn: thứ nhất, họ đều là những cây bút hàng đầu của Việt Nam trong suốt thế kỷ 20; thứ hai, họ là những người đi tiên phong và có công nhất trong nỗ lực hiện đại hóa văn học Việt Nam; và thứ ba, họ tạo được một nền tảng vững chắc trong cả hai lãnh vực, báo chí và văn học, trong văn học, gồm cả hai thể loại chính là truyện và thơ, để các thế hệ sau tiếp tục vun đắp. Sau này, một số nhà văn và nhà thơ đòi “chôn Thơ Mới” (như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc vào giữa thập niên 1950) hay vượt qua Tự Lực Văn Đoàn (như nhóm Sáng Tạo ở miền Nam), và thành thực mà nói, đã có một số người làm điều đó, hơn nữa, chúng ta cũng mong muốn càng ngày càng có nhiều người làm được điều đó, nhưng ngay cả như vậy, tất cả những người vượt qua được Tự Lực Văn Đoàn đều mắc nợ Tự Lực Văn Đoàn. Thế đứng cao ngất của họ được hình thành một phần, thậm chí, phần lớn, nhờ họ đứng trên đôi vai vạm vỡ và lực lưỡng của Tự Lực Văn Đoàn. Xin được nhấn mạnh: ngay cả khi bị vượt qua, tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn cũng còn lại và sẽ còn lại mãi. Những gì đã trở thành cổ điển thì không bao giờ bị mất đi cả. Thế hệ trẻ hiện nay có thể sẽ không còn say mê Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng họ vẫn phải đọc Tự Lực Văn Đoàn. Không đọc Tự Lực Văn Đoàn là một thiệt thòi, ít nhất về phương diện kiến thức: người ta bị hụt mất một trong những mảng màu đẹp nhất và nổi bật nhất trong bức tranh văn học Việt Nam....Đó là một nhóm văn học chịu nhiều oan khuất nhất trong nửa sau thế kỷ 20 như là hậu quả của những tranh chấp về chính trị và ý thức hệ tại Việt Nam trong suốt cả hai cuộc chiến tranh kéo dài từ 1945 đến 1975 cũng như cả giai đoạn gọi là “bao cấp” sau đó nữa... Với cả nhóm, cách đánh giá của giới nghiên cứu Việt Nam phần lớn vẫn còn khá rụt rè. Trong cuốn Về Tự Lực Văn Đoàn, cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về Tự Lực Văn Đoàn được xuất bản sau phong trào Đổi Mới, Nguyễn Trác và Đái Xuân Ninh nhận định chung về Tự Lực Văn Đoàn: “Đóng góp ít, hạn chế nhiều”. Ngay cả Vương Trí Nhàn, một nhà phê bình khá có thiện chí ở Hà Nội, trong cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945 do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2005, cũng chỉ tập trung phân tích các tác giả như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Nam Cao, Vũ Bằng, Dương Quảng HàmĐinh Gia Trinh chứ không hề có phần nào dành cho Nhất Linh và Khái Hưng cả. Đối với từng tác giả, trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, không kể những người sau năm 1945, theo Việt Minh và sau năm 1954, ở lại miền Bắc (như Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu), trong bốn người còn lại (Khái Hưng và ba anh em nhà Nguyễn Tường), Thạch Lam là người được xuất bản nhiều nhất và cũng là người được đánh giá một cách ưu ái nhất. Ngoài lý do truyện của Thạch Lam, nhất là truyện ngắn, có giá trị nghệ thuật cao còn hai lý do này nữa: thứ nhất, truyện ông thường đề cập đến người nghèo khổ, rất phù hợp với quan điểm giai cấp của đảng Cộng sản; và thứ hai, quan trọng hơn, ông mất sớm, từ năm 1942, hoàn toàn không tham gia vào chính trị và cũng không có ân oán gì với đảng Cộng sản. Riêng với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Khái Hưng, ba người từng công khai phát biểu cũng như hoạt động chống lại họ, trong đó có một người bị họ giết chết (Khái Hưng), cho đến nay, công việc tái bản sách của họ cũng như đánh giá về họ vẫn còn khá ít ỏi và dè dặt.
  • Lại Nguyên Ân (Tự lực văn đoàn, một "nhóm lợi ích" trong đời sống văn nghệ, 2014):
Ngay Phan Khôi, cùng thế hệ Tản Đà, người đã rất sớm nhận ra và lên tiếng khen giọng điệu báo chí mới mẻ của Phong Hóa, nhưng đáp lại, Phong Hóa luôn dùng lối diễu cợt để giữ khoảng cách, để dứt khoát gạt Phan Khôi về phái già. Bỏ qua rất nhiều trò chọc ghẹo vốn là đương nhiên khó tránh khỏi của thể tài hài báo, ít ra vẫn có một sai lạc không thể biện hộ, ấy là việc Phong Hóa và TLVĐ tạo ra thành ngữ “lý luận Phan Khôi” với hàm ý chế nhạo. Trong khi tư duy lô-gích là cái thiếu nhất ở người Việt, trong khi Phan Khôi là nhà báo thể hiện sự cố gắng nhiều hơn hết để nghĩ mới về mọi sự mọi việc, trong khi chính TLVĐ cũng hướng tới cái mới, duy lý, tiến bộ cho văn hóa xã hội Việt, thì chính họ lại dựng lên thành ngữ này, hùa theo luồng định kiến thông tục cũ kỹ trong giới cầm bút vốn đặc trưng cho xu thế thù ghét lý tính, bài xích lý luận của số đông với tâm thế gia trưởng thủ cựu; ở phương diện này, Nhất Linh (nếu ông là tác giả chính của thành ngữ này) chỉ đứng ngang với những cây bút tầm thường, và tỏ ra thấp hơn Phan Khôi rõ rệt. Nhưng khi đó Nhất Linh và các thành viên TLVĐ đã hành động theo lợi ích nhóm, mà chiến lược là hạ uy tín của những “đàn anh” trong báo giới văn giới, bất kể là ai....Các nhà văn trong TLVĐ từng khiến giới viết truyện đương thời cảm phục và gắng sức đua theo, vì kiểu tiểu thuyết luận đề là do họ đề xướng và cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên. Song, mô hình tiểu thuyết luận đề chỉ có thể là điểm xuất phát chứ chưa thể là giải pháp cho mọi vấn đề của sáng tác văn xuôi tự sự bằng tiếng Việt ở thời đại mới. Những tiểu thuyết luận đề đầu tiên ra mắt chừng vài ba năm là đã thấy xuất hiện các sáng tác cùng kiểu thức ấy của những cây bút ngoài TLVĐ. Quá trình văn học diễn ra trong chưa đầy 20 năm đã làm xuất hiện một nền tiểu thuyết khá phong phú với rất nhiều tác giả và tác phẩm. Tuy vậy, điều đáng nói lại là, nếu như các cây bút văn xuôi trong TLVĐ đã in dấu vào mô hình thể tài tự sự này ở điểm khởi đầu, thì chính họ lại không có sản phẩm nào nằm trong sự kết tinh của cả quá trình phát triển ấy. Quả thật, không có tác phẩm nào đáng gọi là kiệt tác trong số các tiểu thuyết TLVĐ. Bởi nếu nói đến kiệt tác ở văn xuôi tự sự hư cấu giai đoạn ấy, người ta chỉ kể được Số đỏ (của Vũ Trọng Phụng) và Chí Phèo (của Nam Cao), hai tác phẩm của hai nhà văn ngoài văn đoàn Tự Lực....Chẳng hạn, về ngôn ngữ, họ chủ trương và thực hành việc viết bằng một thứ tiếng Việt trong sáng, giản dị, dễ hiểu, song họ hầu như không để ý đến việc những người viết văn đương thời thể nghiệm hoặc xử lý ra sao đối với chất liệu đời sống Việt Nam hoặc chất liệu ngôn ngữ tiếng Việt. Hoặc, họ có hầu như ngay từ đầu những ý tưởng về nhu cầu thoát khỏi chế độ đại gia đình để tìm đến kiểu gia đình hạt nhân, vốn phù hợp với sự phát triển con người cá nhân của một lớp thanh niên mới xuất hiện trong xã hội thuộc địa Âu hóa những năm 1920-30; song họ có khá ít sự hiểu biết về các tầng lớp dưới, ở cả thôn quê lẫn đô thị cũng đương thời ấy. Thế nhưng họ lại xem thường những khảo sát về những lớp người ấy do các nhà văn nhà báo bên ngoài văn phái họ thực hiện....Trong khi đó, có vẻ như các tác gia trong TLVĐ hầu như đứng ngoài sự nghiên cứu đời sống, đứng ngoài hoạt động miêu tả ngôn ngữ. Mấy tác gia hàng đầu của tiểu thuyết TLVĐ như Nhất Linh, Khái Hưng dường như quá tự tín khi đưa ra các luận đề mà họ cho là các vấn đề chính của xã hội và con người Việt Nam đương thời. Cố nhiên họ đã có lý – và đã đắc thắng – trong một thời gian nhất định. Song việc coi thường những đồng nghiệp “học vấn sơ học” tìm tòi ra sao trên những vấn đề của đời sống Việt, và cả những màu sắc ngôn từ, ở những vùng miền cụ thể, đã khiến những sáng tác về sau của họ yếu dần về độ sâu sắc của các vấn đề đời sống con người, nhạt nhòa dần về màu vẻ của ngôn từ nghệ thuật. Các tiểu thuyết của họ có văn phong sáng sủa, mực thước, nhưng cả tác giả, người kể chuyện lẫn các nhân vật trong truyện đều nói cùng một giọng, mọi nhân vật đều nói như nhau, hầu như không cho thấy các sắc thái giọng nói. Đấy chỉ là một trong số những dấu hiệu về sự khác biệt, song lại là khác biệt về “bí kíp” của sự nhạt nhẽo ngày càng lộ rõ trong ngôn ngữ của các tác gia văn xuôi TLVĐ, so với những sắc giọng đậm và mặn, có khi thô lỗ, có khi tục tằn, in dấu khẩu ngữ, biệt ngữ, phương ngữ trong mạch văn của không ít tác gia ngoài TLVĐ.
  • Sách Ngữ văn lớp 11 (tập 1):
Từ khoảng năm 1930, đã thực sự xuất hiện trào lưu lãng mạn chủ nghĩa với những thành tựu nổi bật được kết tinh ở Thơ mới, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam (trong Tự lực văn đoàn), Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân...Trong khoảng thời gian ấy, nhóm Tự lực văn đoàn với những tác phẩm xuất sắc của Nhất Linh, Khái Hưng… đã đẩy cuộc cách tân tiểu thuyết lên một bước mới: cách dựng truyện tự nhiên, tổ chức kết cấu linh hoạt, tính cách nhân vật được xem là trung tâm của tác phẩm, đời sống của nhân vật được chú trọng và được phân tích, diễn tả tinh vi. Ngôn ngữ tiểu thuyết Tự lực văn đoàn giản dị, trong sáng, có khả năng diễn tả chính xác, tinh tế từ ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc đến cảm giác mong manh, mơ hồ nhất, tuy về sau lại trở thành kiểu cách, sáo mòn.[42]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tự_Lực_văn_đoàn http://boxitvn.blogspot.com/2012/09/ung-ngay-nay-8... http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=7466&catid=3 http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Den-voi-c... http://tiasang.com.vn/-van-hoa/doi-chut-ve-giai-th... http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&Categ... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin...